Đó là lý do tuần qua người hâm mộ mà đứng đầu là Hội Cổ động viên Việt Nam đã phản ứng rất mạnh việc giữ chỗ cho một số thành viên trở lại vì e ngại bộ máy bóng đá Việt Nam sẽ đi vào vết xe đổ.
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam là tiêu chí đổi mới được đặt ra cho một nhiệm kỳ quan trọng là số các ứng viên được giữ chỗ cho bộ máy mới đa phần là những con người rất cũ.
Sau giai đoạn “mời” và “thăm dò” (gồm cả người mới, người có uy tín ở xã hội xen kẽ những người cũ), đến giai đoạn gút lại thì hầu như không còn một cái tên mới nào. Những “khách mời” chủ động từ chối hoặc được mời vào để lấy số đông dần rút lui có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân lớn là cảm thấy ngán ngẩm với bộ máy đã được duy trì qua sáu nhiệm kỳ nhưng chịu quá nhiều tai tiếng.
Thực tế thì dân bóng đá và những chuyên gia đều hiểu khó có cửa cho người mới hiểu việc và chịu cách tân chen chân giữa bộn bề người cũ được sắp xếp lại. Bởi làm mới một bộ máy với những con người cũ sẽ rất khó thay đổi được tư duy và cách làm. Và để lấy lại niềm tin từ những con người cũ lại càng khó nếu người hâm mộ không thấy được chương trình hành động của những người được tiến cử vào các vị trí trụ cột cho bộ máy mới.
Thường thì bao giờ những ứng viên tranh cử vào chiếc ghế cao nhất của một cuộc bầu bán bao giờ cũng có những chương trình hành động. Thế mà trong bộ máy VFF chưa bao giờ có một vị chủ tịch nào ngồi vào chiếc ghế nóng đấy mà đưa ra chương trình hành động cụ thể. Ngay cả ông Nguyễn Trọng Hỷ trong hai nhiệm kỳ qua cũng chưa bao giờ đưa ra được chương trình quan trọng nào trong cả hai lần được bầu. Lần I (nhiệm kỳ V), ông được giữ chỗ bởi là người của Tổng cục TDTT gửi sang; lần II (nhiệm kỳ VI) thì ông lại là người được bộ máy cũ giữ lại để không xáo trộn bộ khung đang “ăn nên làm ra”.
Nhân đề cập đến yếu tố con người cũng cần phải nhắc đến bộ máy FIFA năm 1994 khi Chủ tịch Havelange chính thức “thách đấu” với đương kim chủ tịch FIFA lúc bấy giờ là Stanley Rous thì ông này đã đưa ra một chương trình hành động cụ thể với tiêu chí “Phủ rộng bóng đá sâu đến những ai, những đất nước vẫn đang cảm thấy bị thiệt thòi trong bóng đá…”. Và khi trình bày chương trình hành động của mình với các quốc gia đặc biệt là những quốc gia có nền bóng đá kém phát triển thì ông đã được ủng hộ tuyệt đối. Kết quả là cuộc bầu chọn đấy “kẻ thách đấu” Havelange đã thắng vẻ vang trước đương kim Chủ tịch Stanley Rous. Và bóng đá thế giới đã thực sự đổi mới từ nhiệm kỳ của Havelange với hàng loạt đổi mới thông qua chương trình hành động của tân chủ tịch này.
Nhắc lại câu chuyện của FIFA để thấy rằng bóng đá Việt Nam trong tiêu chí bầu chọn, đã khác rất xa (và thậm chí là lệch hướng) với công thức dân chủ trong việc tìm tài năng và trao việc của các tổ chức xã hội.
Mong lắm những chương trình hành động mà bóng đá Việt Nam rất thiếu trong các cuộc tìm người tài ứng cử vào các vị trí cao.
NGUYỄN NGUYÊN
Post a Comment